CHIA SẺ

Saturday, October 12, 2019

KỸ THUẬT TRỒNG THANH NHÃN BẠC LIÊU

Giống Thanh Nhãn Bạc Liêu là Giống Nhãn đặc sản vùng đất Bạc Liêu, với những ưu thế về chất lượng trái và năng suất nên được Bà con vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ưa chuộng.


Kỹ thuật trồng Thanh Nhãn Bạc Liêu

Để trồng đúng kỹ thuật Giống Nhãn này Bà con cần lưu ý những điều sau đây:

Yêu cầu về điều kiện trồng

Nhiệt độ: Thanh Nhãn thường được trồng chủ yếu trong vĩ độ từ 15-28o Bắc và Nam của xích đạo. Nhiệt độ bình quân hàng năm 21-27oC thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển.

Lượng mưa: Cây Thanh Nhãn cần lượng mưa thích hợp hàng năm khoảng 1300-1600mm. Lúc cây ra hoa gặp thời tiết nắng ấm, tạnh ráo có lợi cho việc thụ phấn, đậu quả tốt và năng suất sẽ cao.

Ánh sáng: Thanh Nhãn cần nhiều ánh sáng, thoáng. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, Cây Nhãn thích hợp với ánh sáng tán xạ hơn ánh sáng trực xạ. Ánh sáng chiếu được vào bên trong tán giúp cây phát triển và thường sai trái, ánh sáng còn giúp đậu trái, vỏ bóng và vị ngọt, ngon.


Yêu cầu về điều kiện trồng Cây Thanh Nhãn

Nước: Thanh Nhãn là cây ưa ẩm nhưng không chịu úng và rất dễ nhạy cảm với việc ngập nước kéo dài. Ngược lại, nếu gặp khô hạn trong thời gian dài sẽ làm cho cây sinh trưởng chậm, ra hoa và đậu trái khó khăn.

Đất đai: Đất cát pha thịt, đất đỏ, đất phù sa có thành phần cơ giới nhẹ thích hợp cho việc trồng Thanh Nhãn hơn trên các loại đất khác. Cây Thanh Nhãn sinh trưởng tốt trong điều kiện đất thoát nước, tơi xốp, pH nước khoảng 5,5-6,5.

Tiêu chuẩn cây giống tốt và kỹ thuật trồng

Tiêu chuẩn Cây Giống Thanh Nhãn 

Thân cây thẳng, vững chắc. Chiều cao cây giống từ 80 cm trở lên (đối với cây ghép), từ 60 cm trở lên (đối với cây chiết). Đường kính cành giống từ 1,0-1,2 cm (đo cách vết ghép khoảng 2 cm về phía trên đối với cây ghép), từ 0,8 cm trở lên (đo cách mặt giá thể bầu ươm 10 cm đối với cây chiết). Lá đã trưởng thành, xanh tốt và có hình dạng, kích thước đặc trưng của giống.

Khoảng cách trồng Thanh Nhãn 

Trồng cây trong vườn có thể theo kiểu hình vuông, hình chữ nhật, hình nanh sấu hoặc theo đường vành nón cho vườn đồi ở vùng đồi núi. Đối với vùng đất ở ĐBSCL có thể trồng với khoảng cách 5 x 4 m hoặc 6 x 5 m.

Thời vụ trồng Thanh Nhãn
Vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên bắt đầu trồng Thanh Nhãn khi mùa mưa ổn định, thường từ tháng 6-7 hàng năm. Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ bắt đầu trồng Nhãn vào đầu mùa mưa, thường vào tháng 9 hàng năm.


Tiêu chuẩn cây giống tốt và kỹ thuật trồng Cây Thanh Nhãn

Chuẩn bị hố trồng

Miền Đông, Miền Trung và Tây Nguyên: Hố trồng Nhãn có kích thước 1 x 1 x 0,7 m, trộn đều 20-40 kg phân hữu cơ hoai, 300-500 g hỗn hợp NPK 16-16-8 và 0,5-1,0 kg vôi với đất mặt rồi gạt xuống hố.

Đồng Bằng Sông Cửu Long: Nên làm mô trên đất đã được lên líp, mô đất đấp thành hình tròn đường kính khoảng 0,6-0,8 m, độ cao thường là 0,3-0,6 m. Đất đấp mô được trộn với 100-200 g hỗn hợp NPK 16-16-8, 0,5 – 1,0 kg vôi, 15-20 kg phân hữu cơ hoai và tro trấu, 10-20g Regent để sát trùng.

Kỹ thuật trồng Thanh Nhãn


Khi trồng dùng dao cắt đáy bầu, đặt cây xuống giữa mô và mặt bầu bằng với mặt mô, sau đó rạch theo chiều dọc của bầu để kéo bao nilon lên và lắp đất lại nén đất xung quanh, cắm cọc giữ chặt cây con. Sau đó dùng rơm hay cỏ khô đậy kín mô. Tưới nước giữ ẩm cho cây mỗi ngày một lần nếu nắng khô, nếu có mưa thì ngưng tưới.